Ngải cứu vừa là cây rau vừa là cây thuốc thường thấy trong vườn của nhiều gia đình ở Việt Nam, với cách sử dụng đơn giản, hiệu quả mà chi phí thấp. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ về tác dụng của ngải cứu. Ăn rau ngải cứu có tác dụng gì, ăn rau ngải cứu có tốt không? Mời các bạn cùng top10suckhoe.vn tham khảo bài viết dưới đây để biết được tác dụng của ngải cứu nhé!
Tổng quan về cây ngải cứu
Ngải cứu là một cây thảo, sống lâu năm, cao chừng 0,4–1m. Thân cành mọc xum xê, có rãnh và lông nhỏ. Lá mọc so le, chẻ lông chim. Mặt trên lá màu xanh lục sẫm, nhẵn hoặc có ít lông trong khi mặt dưới phủ đầy lông nhung màu trắng.
Cụm hoa mọc ở ngọn thân và đầu cành thành chùm kép, màu vàng lục nhạt. Quả bè, thuôn nhỏ, không có túm lông. Toàn cây có mùi thơm hơi hắc. Mùa hoa quả vào tháng 10–12.
Ở Việt Nam, ngải cứu đã được trồng nhiều trong đời sống từ Nam đến Bắc. Cây ưa ẩm, có thể hơi chịu bóng, thường được trồng trong các vườn gia đình hay vườn thuốc của các cơ sở y học dân tộc. Mùa sinh trưởng mạnh là khoảng xuân – hè, về mùa đông phần thân và cành trên mặt đất có hiện tượng tàn lụi một phần.
Bộ phận dùng
Người ta thường thu hái phần trên mặt đất khi cây có hoa, có thể dùng tươi hay phơi khô trong râm.
Đôi khi, lá ngải còn được chế biến theo nhiều cách khác nhau, như:
1. Ngải diệp sao: Dùng lửa nhỏ, sao lá ngải cho khô, hơi vàng.
2. Ngải diệp sao cháy: Lấy lá ngải cho vào nồi, sao cho đến khi có màu đen, vẩy ít nước để trừ hỏa độc.
3. Ngải diệp chích mật: Lá ngải 10kg, mật ong 2kg. Đem mật ong pha loãng, đun sôi rồi cho lá ngải vào đảo đều đến khi khô vàng, sờ không dính tay là được.
4. Ngải diệp chích giấm: Lá ngải 10kg, giấm 1,2kg. Trộn đều lá ngải với giảm để 30 phút. Sao đến khô khi dược liệu có màu đen.
5. Ngải diệp chích rượu: Lá ngải 10kg, rượu 1,5–2kg. Trộn đều rồi sao cho đến khô đen hoặc sao lá ngải cho đen rồi phun rượu vào, vẩy ít nước để trừ hỏa độc.
Thành phần hóa học
Toàn cây có chứa tinh dầu với hàm lượng 0,2–0,34%. Thành phần chủ yếu trong tinh dầu là các monoterpen và sesquiterpen. Ngoài ra, trong ngải cứu còn có các axit amin như adenini, cholin.
10 tác dụng của ngải cứu
Trong Đông y, cây ngải cứu được xem vị thuốc đa công dụng, chữa đa bệnh. Chúng có mặt trong các bài thuốc dân gian giúp bổ máu, điều kinh, hỗ trợ điều trị đau xương khớp, chữa suy nhược cơ thể,… Sau đây, mời bạn tham khảo một số bài thuốc hay từ ngải cứu.
1. Ngải cứu làm thuốc điều kinh
Chị em phụ nữ có chu kỳ kinh nguyệt thất thường, không ổn định thì ngãi cứu chính là giải pháp vô cùng hiệu quả. Cách chữa rong kinh bằng ngải cứu đơn giản như sau:
Lấy 100g ngải cứu khô, sắc chung với 1 lít nước. Đun sôi với lửa vừa, cạn còn 300ml thì tắt bếp, lọc ra lấy nước uống. Nước ngải cứu có vị đắng, nếu cảm thấy khó uống có thể thêm một ít đường sẽ dễ uống hơn.
Mỗi ngày uống 2 lần, sử dụng đều đặn từ 1 tuần trở đi sẽ thấy hiệu quả. Chị em vừa uống ngải cứu, vừa có chế độ sinh hoạt, ăn uống hợp lý, tránh thức đêm, giải tỏa tâm lý để chu kỳ kinh bình thường trở lại.
2. Ăn rau ngải cứu giúp an thai
Tác dụng của ngải cứu đối với phụ nữ đang mang thai, khi gặp các triệu chứng như đau bụng, chảy máu ta có thể áp dụng bài thuốc này có thể giúp thai ổn định. Bài thuốc giúp an thai từ ngải cứu áp dụng cho thai kỳ từ 3 tháng trở lên:
Sử dụng 20g ngải cứu khô, 15g lá tía tô, sắc nước uống. Chia uống 2 lần/ngày. Đây là bài thuốc có công dụng hỗ trợ an thai rất tốt mẹ bầu. Đối với thai từ 3 tháng trở đi, nếu sử dụng điều độ, hợp lý, ngải cứu không có khả năng gây kích thích cho tử cung, do đó không làm sảy thai hoặc sinh non.
3. Sơ cứu vết thương bằng ngải cứu
Giống như cây lá lứt (cây cúc tần), ngải cứu là vị thuốc có tác dụng cầm máu rất tốt. Có thể sử dụng sơ cứu trong tình huống khẩn cấp như rắn cắn, chấn thương chảy máu, đứt tay, chân,…
Khi bị chảy máu, ta có thể giã nát lá ngải cứu tươi, sau đó thêm vào chút muối để đắp lên miệng vết thương. Cách này có thể giúp cầm máu, sát khuẩn, tiêu viêm và giảm đau rát hiệu quả.
Dùng ngải cứu cầm máu chỉ là giải pháp tức thời trong tình huống nguy cấp. Sau khi sơ cứu, bạn nên đưa nạn nhân đến trạm xá gần nhất để xem xét vết thương.
4. Ngải cứu trị mụn, mẩn ngứa, mề đay
Nhờ có tính sát khuẩn cao, ngải cứu có tác dụng chống viêm, ngăn hình thành viêm mụn, giúp loại bỏ mề đay, mẩn ngứa cũng như các căn bệnh ngoài da khác do vi khuẩn, nấm gây ra.
Rửa sạch ngải cứu tươi, để ráo nước, sau đó mang đi giã nát để đắp mặt, để mặt nạ khoảng 15 phút là có thể rửa sạch lại với nước. Mặt nạ ngải cứu làm đẹp da rất hiệu quả, nếu kiên trì đắp mặt thường xuyên, bạn sẽ có một làn da hồng hào, trắng sáng.
Đối với trẻ em thường xuyên bị nổi rôm sảy, ta có thể xay nhuyễn lá ngải cứu, lọc ra lấy nước tắm cho trẻ. Hoặc kết hợp ngải cứu và đơn lá đỏ (lá đơn đỏ) nấu nước tắm cho bé.
5. Ngải cứu chữa đau nhức xương khớp, đau thần kinh tọa
Với những bệnh nhân thường xuyên bị đau nhức xương khớp, đau thần kinh tọa, đi đứng khó khăn,… hoàn toàn có thể áp dụng bài thuốc giảm đau nhức đơn giản từ cây ngải cứu.
Bài thuốc 1: 300g ngải cứu, mang đi rửa sạch, sau đó giã nát, chắt lấy nước rồi hòa chung với 2 muỗng mật ong. Mỗi ngày sử dụng 2 lần cho buổi trưa và chiều. Kiên trì sử dụng ít nhất 1 tháng, các triệu chứng đau nhức sẽ thuyên giảm rõ rệt.
Bài thuốc 2: Lá ngải cứu, lá lốt, cây cỏ xước, mỗi thứ lượng bằng nhau, đem rang muối, lúc còn nóng bọc lại, đắp vào chỗ đau nhức, cách 2 ngày đắp 1 lần. Làm kiên trì sẽ giảm đau nhức hiệu quả.
6. Ngải cứu trứng gà giúp lưu thông máu lên não
Trứng gà chiên ngải cứu là món ăn rất bổ dưỡng, đặc biệt tốt đối với người bị thiếu máu, thường xuyên đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, buồn ngủ không rõ lý do. Ăn món này có tác dụng tăng tuần hoàn máu lên não, chấm dứt tình trạng đau đầu, uể oải, mệt mỏi.
Tùy theo khẩu phần ăn mà bạn chuẩn bị ngải cứu lượng vừa đủ. Mang rau rửa sạch, thái nhỏ, sau đó thêm vào 2 quả trứng gà, đánh đều tay đến khi hỗn hợp sệt lại, nêm nếm gia vị để hợp khẩu vị hơn. Đem chiên đến khi chín vàng là có thể dùng. Ăn thường xuyên để thấy hiệu quả.
7. Tác dụng của ngải cứu – Ngải cứu trị suy nhược cơ thể, kém ăn
Chuẩn bị: 200g ngải cứu, 2 trái lê, 20g kỷ tử, 10g đương quy, nửa con gà ác. Sơ chế tất cả nguyên liệu sau đó để vào nồi hầm. Hầm chung với 500ml nước trên lửa nhỏ, trong quá trình nấu có thể nêm nếm thêm gia vị để vừa miệng.
Hầm đến khi nhừ thì tắt bếp, chia làm 4 đến 5 phần ăn trong ngày. Sử dụng liên tục trong 1 đến 2 tuần cơ thể sẽ thấy sinh khí dồi dào trở lại, ăn thấy ngon miệng hơn.
8. Tác dụng của ngải cứu – Điều trị thấp khớp ghẻ lở
Chất tanin, cineol trong ngải cứu có thể chống phù nề, giảm đau. Ngoài ra còn các chất khác giúp tăng sức đề kháng, lưu thông mạch và giảm sưng viêm. Bạn nên uống trà ngải cứu để hỗ trợ điều trị thấp khớp. Với các vết ghẻ lở thì nên giã nhỏ cùng vài hạt muối rồi đắp lên và băng lại.
9. Tác dụng của ngải cứu – Giảm nôn mửa
Nếu bị nôn mửa, bạn có thể dùng ngải cứu khô đem sắc lên để uống, mỗi ngày 2 lần. Tác dụng của ngải cứu sẽ giúp ngăn và giảm dần tình trạng nôn mửa.
10. Tác dụng của ngải cứu – Điều trị lỵ ra máu
Vốn được coi là vị thuốc quý trong việc chữa các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, ngải cứu có thể dùng để điều trị lỵ ra máu. Bạn hãy giã nát rồi đắp vào hậu môn, thực hiện mỗi ngày để có chuyển biến tốt.
Tổng kết
Như vậy, ngải cứu vừa là rau ăn, vừa dùng làm thuốc hết sức đơn giản. Mỗi ngày, tốt nhất bạn nên bổ sung vào thực đơn của mình loại rau bổ dưỡng này. Qua bài viết trên, chúng tôi hy vọng bạn đọc đã hiểu thêm về tác dụng của ngải cứu để cải thiện sức khỏe và điều trị bệnh có hiệu quả.
Nguồn: tổng hợp