Nuốt nước bọt đau họng hay nuốt nước miếng đau họng là dấu hiệu cảnh báo điều gì? Nguyên nhân nào khiến bạn gặp phải tình trạng này và cách điều trị hiệu quả là gì? Hãy cùng top10suckhoe.vn tìm hiểu ngay sau đây nhé.
Top 10 nguyên nhân thường gặp gây đau họng khi nuốt nước bọt
1. Viêm họng do virus
Nguyên nhân khiến cổ họng bị đau khi nuốt hay nuốt nước bọt đau họng, “phổ thông đại chúng” nhất là viêm họng do siêu vi trong các bệnh cảnh như cảm lạnh, cảm cúm, tăng bạch cầu đơn nhân, sởi, thủy đậu và đặc biệt là nhiễm Covid-19.
Viêm họng do nhiễm siêu vi đường hô hấp, ngoài đau rát họng thường kèm theo với các triệu chứng như sốt, ho, sổ mũi, nghẹt mũi, hắt xì, nhức đầu, đau cơ, buồn nôn, mất khả năng ngửi, thay đổi vị giác, mệt mỏi, suy giảm đề kháng, dễ bội nhiễm vi khuẩn sau đó.
2. Viêm họng do vi khuẩn
Viêm họng liên cầu khuẩn
Có rất nhiều loại vi khuẩn có thể gây nên viêm họng cấp, nhưng thường gặp nhất và “đáng sợ” nhất là viêm họng do liên cầu khuẩn tan huyết nhóm A. Sở dĩ nó nguy hiểm vì hay gây biến chứng ở tim, thận, khớp, để lại di chứng nặng nề. Ngoài việc nuốt nước miếng đau họng, viêm họng liên cầu khuẩn còn kèm theo các triệu chứng khác như:
- Sưng hạch bạch huyết ở cổ, dưới hàm
- Đau và nổi đốm đỏ ở màn hầu khẩu cái
- Sốt cao
- Có những đốm trắng trên amidan
- Hơi thở hôi.
Viêm amidan
Tình trạng viêm này cũng nằm trong bệnh cảnh của viêm họng, nhưng là viêm họng khu trú ở tại nhu mô amidan. Khi amidan bị viêm cấp tính, đặc biệt khi có biến chứng viêm quanh amidan thì động tác nuốt sẽ là một “cực hình”. Đau nhói buốt lên cả tai, nước dãi chảy dầm dề vì bệnh nhân rất sợ nuốt.
3. Viêm thanh thiệt khiến nuốt nước bọt đau họng
Thanh thiệt hay còn gọi là nắp thanh quản, chịu trách nhiệm “đậy” kín miệng thanh quản, không cho thức ăn lọt vào đường thở. Khi nuốt, thanh quản sẽ được đẩy lên trên và áp khít “miệng” vào nắp thanh quản. Thanh thiệt lúc này giống như một “tấm barie” đường cấm, chỉ cho “lưu thông” ở ngả đường vào thực quản. Trong trạng thái bình thường, nuốt sẽ không gây đau. Nhưng nếu thanh thiệt bị viêm loét hoặc phù nề thì sẽ rất đau do bị chà xát khi họng siết lại khi nuốt. Tình trạng tổn thương thanh thiệt, nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời không chỉ khiến bạn nuốt nước miếng đau họng mà còn gây nuốt sặc, thậm chí gây bít tắc đường thở do phù nề lan rộng.
Các biểu hiện đặc trưng của viêm thanh thiệt thường bao gồm:
- Khó nuốt do đau họng
- Sốt cao
- Chảy nước dãi
- Có xu hướng nghiêng người về phía trước khi ngồi.
4. Viêm họng do nhiễm nấm
Tình trạng nấm men phát triển trong miệng, họng và hạ họng là một trong những nguyên nhân phổ biến khác khiến bạn bị nuốt nước bọt đau họng và đau khi nuốt thức ăn, đồ uống. Nấm họng thường gặp ở những người suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng, bị tiểu đường, dùng kháng sinh dài ngày, dùng nhiều thuốc corticoid, dùng thuốc hóa trị. Nấm Candida là tác nhân thường gặp nhất trong những trường hợp này. Ngoài triệu chứng đau khi nuốt, còn kèm thêm các triệu chứng khác như:
- Giảm hoặc mất vị giác
- Trên lưỡi, phía sau họng, màn hầu khẩu cái, mặt trong má xuất hiện các mảng trắng, đốm trắng
- Khóe miệng ửng đỏ bất thường.
5. Nuốt nước bọt đau họng là do viêm thực quản
Đôi khi, tình trạng nuốt nước bọt bị đau họng có thể là dấu hiệu cảnh báo viêm thực quản. Có nhiều nguyên nhân khiến thực quản bị viêm, trong đó thường gặp nhất là bệnh trào ngược dạ dày – thực quản. Ngoài ra, thực quản cũng có khả năng bị sưng viêm do bỏng nhiệt, bỏng hóa chất, do tác dụng phụ của thuốc hoặc do dị ứng trong một số trường hợp.
Ngoài triệu chứng nuốt nước miếng đau họng, người bị viêm thực quản do trào ngược còn có biểu hiện:
- Nóng rát sau xương ức
- Ợ nóng, ợ chua
- Trào thức ăn và dịch vị lên họng gây ho sặc
- Khàn giọng do viêm thanh quản
- Cảm giác vướng ở trong cổ.
6. Tổn thương cổ họng trong lúc ăn uống
Mặc dù không phổ biến, nhưng thực tế vẫn có những tổn thương vùng họng không mong muốn, vô tình xảy ra trong ăn uống khiến bị đau khi nuốt, ví dụ như:
- Việc cố ăn các món quá nóng, quá cay, uống rượu mạnh hoặc vô tình uống nhầm phải nước sôi, hóa chất sẽ làm bỏng họng và thực quản.
- Mắc dị vật đường ăn, thí dụ như xương động vật, mảnh cứng của bỏng ngô, móc cài răng…
Trong hóc dị vật, vị trí cũng như mức độ đau khi nuốt sẽ gợi ý cho bác sĩ khu vực cần tìm kiếm. Nếu chỉ còn lại là vết trầy xước thì đau sẽ bớt dần và tự khỏi. Nếu dị vật còn găm vào “thịt” thì sẽ gây đau nhói khi nuốt, nhất là khi nuốt đồ ăn cứng. Cần lưu ý rằng, độ nguy hiểm sẽ tăng theo vị trí, độ lớn, độ dài, độ sắc bén của dị vật. Không ít trường hợp bị thủng ruột do hóc, thậm chí nguy hiểm tính mạng vì thủng thực quản gây áp xe trung thất. Tồi tệ nhất là thủng quai động mạch chủ, gây tử vong tại chỗ nếu không được can thiệp khẩn cấp.
Ngoài những nguyên nhân hay gặp ở trên thì những nguyên nhân gây đau rát họng “sơ sơ”, thoáng qua thường ít được chú ý đến bao gồm:
- Dị ứng
- Khô họng khi nghẹt mũi phải thở miệng
- Viêm mũi xoang mạn tính dẫn đến chảy mũi sau xuống họng
- Do căng cơ họng quá mức khi hò hét quá nhiều và quá lâu
- Do “nhiệt” miệng, họng với những vết loét Aphthous ở niêm mạc
- Ô nhiễm môi trường, không khí quá hanh khô, có hơi hóa chất, khói thuốc lá gây kích ứng niêm mạc mũi họng
- Do một can thiệp y tế tại vùng họng như phẫu thuật cắt amidan, phẫu thuật chữa ngáy, phẫu thuật thanh quản, đặt nội khí quản…
Ngoài ra, còn một dạng đau họng khi nuốt khác, tuy không phổ biến nhưng cực kỳ quan trọng và nguy hiểm, đó là đau họng do ung thư. Có thể là ung thư amidan, ung thư hạ họng, ung thư thanh quản, ung thư thực quản. Những triệu chứng đi kèm với tình trạng nuốt nước bọt đau họng thường thấy là khó nói, khó nuốt, thở khò khè, có lẫn máu trong đờm và nước bọt, nổi u hạch cổ.
Hướng xử trí “nuốt nước bọt đau họng” như thế nào cho hiệu quả?
Tùy theo từng nguyên nhân và tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ áp dụng các phương pháp khác nhau. Ngoài những trường hợp phải can thiệp ngoại khoa thì bác sĩ sẽ điều trị bằng thuốc tại chỗ hoặc toàn thân kết hợp với điều trị các bệnh nền. Trước hết sẽ dùng thuốc giảm đau và hạ sốt, thuốc chống viêm và phù nề, thuốc kháng sinh và thuốc kháng virus trong trường hợp đặc biệt. Kết hợp dùng dạng viên ngậm, đang xịt họng với thuốc dạng uống và tiêm. Bạn nên tránh tự ý mua thuốc dùng theo phỏng đoán chủ quan.
Các cách chữa nuốt nước bọt đau họng tại nhà, bạn có thể tham khảo ở dưới đây chỉ dành cho dạng đau họng nhẹ “sơ sơ” hoặc dùng để “chữa cháy” trong lúc chưa thu xếp để đi khám được. Có vài cách như sau:
- Sử dụng thuốc ngậm, thuốc xịt họng, thuốc súc họng không kê toa, có tính chất làm dịu, giảm đau, sát khuẩn
- Súc họng với nước muối ấm nhiều lần trong ngày
- Bổ sung nước đầy đủ. Nên uống nước ấm thay vì nước lạnh.
Để phòng ngừa, bạn có thể hạn chế hoặc tránh tiếp xúc với các tác nhân gây bệnh khi đã tìm hiểu những nguyên nhân nêu trên. Đặc biệt đối với những tác nhân virus lây truyền qua đường hô hấp mà nguy hiểm nhất là đại dịch Covid-19, bạn hãy tuân thủ 5K và tiêm vaccine đầy đủ để bảo vệ mình và cộng đồng.
Tóm lại, triệu chứng đau họng khi nuốt hay nuốt nước bọt đau họng có thể không nguy hiểm, nhưng cũng có thể là dấu hiệu của một bệnh lý cực kỳ nguy hiểm. Do đó, không nên chủ quan. Những hướng dẫn trên đây đã cung cấp cho bạn sự quyết định khi nào cần phải đi khám và điều trị, tránh những biến chứng đáng tiếc và bỏ sót những bệnh lý nguy hiểm.